Vỉa hè chung bị biến thành \"của riêng\": Muôn kiểu chiếm dụng
Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, TPHCM đã rất nhiều lần nỗ lực lập lại trật tự vỉa hè, “trả” vỉa hè về đúng chức năng là khu vực dành cho người đi bộ, thế nhưng vẫn như “bắt cóc bỏ dĩa”…
Trước nhà mình là… của mình!
Dù vỉa hè là phần chung cho công cộng nhưng nhiều chủ nhà mặt tiền đường lại nghĩ là của riêng nhà mình nên họ sẵn sàng “nhắc nhở” người nào đó xâm phạm vỉa hè trước nhà họ. Thậm chí, họ còn “vô tư” cho thuê luôn phần vỉa hè này. Qua ghi nhận, trên nhiều tuyến đường tại TPHCM, tình trạng này diễn ra từ lâu nay.
Cụ thể như trên đường Bế Văn Đàn, mỗi buổi sáng, quán phở Cẩm (số 30 đường Bế Văn Đàn, phường 14, quận Tân Bình) dựng bàn ghế kinh doanh chiếm hết vỉa hè của 3 nhà liền đó, xe máy dựng xuống cả lòng đường. Hỏi thăm thì được anh nhân viên bưng phở cho hay: “Đâu phải tự nhiên để được bàn ghế, xe máy trước nhà người khác. Hàng tháng chủ quán phải trả tiền thuê mặt bằng vỉa hè phía trước nhà cho các chủ nhà đó”. Cũng theo anh này, quán phở kinh doanh đã lâu và thỉnh thoảng cũng có lực lượng chức năng đến phạt nếu khách đậu xe tràn xuống đường, tuy nhiên nếu nhân viên quán nhanh chân dắt xe của khách lên vỉa hè thì… không sao.
Ngay tại quận trung tâm TPHCM như quận 1, quận 3, chủ nhiều căn nhà mặt tiền ở nhiều tuyến đường cũng mặc nhiên cho vỉa hè trước nhà mình là… của mình. Điển hình như tuyến vỉa hè dọc đường Hai Bà Trưng (khu vực gần chợ Tân Định, quận 1), hay đoạn từ bùng binh tượng đài Đức Thánh Trần tới chân cầu Kiệu… đều được “trưng dụng” để kinh doanh. Trên tuyến đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) được mệnh danh là “phố ăn uống”, phần lớn diện tích vỉa hè đã bị các hàng quán đặt biển quảng cáo hoặc dùng làm chỗ đậu xe… Còn trên tuyến đường Trường Sơn (phường 15, quận 10), các quán cà phê, quán ăn đều chiếm toàn bộ vỉa hè để kinh doanh, lòng đường trở thành nơi đậu xe của khách. Qua tìm hiểu, hầu hết hàng quán đều phải thuê vỉa hè trước các nhà mặt tiền.
Trong vai người cần thuê mặt bằng để kinh doanh vào buổi tối, chúng tôi liên hệ với một vài nhà gần đó thì được “báo giá” thuê vỉa hè vào khoảng 2-4 triệu đồng/tháng, tùy diện tích và tùy theo chủ nhà có cho cất đồ sau khi bán hàng hay không.
Thậm chí, tại nhiều cao ốc, nhân viên bảo vệ không cho dừng đậu xe ở vỉa hè mặt tiền. Anh Trần Tuấn Anh chạy grab cho biết: “Nhiều lần tôi đậu xe trên vỉa hè trước Bệnh viện Quốc tế DNA (góc đường Trần Hưng Đạo - Nhiêu Tâm, quận 5) để nghe điện thoại, nghỉ mệt là bảo vệ ra đuổi đi chỗ khác”. Bảo vệ tòa nhà 343 đường Phạm Ngũ Lão (quận 1) cũng thường xuyên đẩy đuổi xe máy đậu trên vỉa hè trước tòa nhà, thậm chí còn để tấm biển cấm đậu xe ngay vỉa hè, xem như vỉa hè là của riêng!
Hàng rong đua nhau chiếm
Trên hầu hết các tuyến đường, dễ dàng thấy các xe đẩy nhỏ, hàng rong san sát trên vỉa hè bán cà phê, đồ ăn sáng... Mỗi buổi sáng, đường Tân Sơn (quận Tân Bình) luôn kẹt xe, nhưng các xe đẩy bán cà phê, đồ ăn sáng vẫn ung dung bán hàng. Hòa theo dòng người tấp vào mua ly cà phê của một xe đẩy trên đường Tân Sơn, quan sát kỹ, chúng tôi thấy chiếc xe này đứng “tế nhị” trên vỉa hè, phần tiếp giáp giữa 2 nhà mặt phố. Hay trước cổng Trường THCS Trần Bội Cơ (quận 5) từ lâu cũng đã trở thành nơi kinh doanh của các xe ăn uống vào mỗi buổi tối. Vỉa hè xung quanh Trường THCS Trần Phú (đường Trường Sơn, quận 10) có bóng đèn chiếu sáng rất to, được tận dụng chiếu sáng cho các quán nước, quán nhậu buôn bán nhộn nhịp suốt đêm.
Toàn bộ vỉa hè đường Vĩnh Khánh (quận 4) được trưng dụng để kinh doanh. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Vỉa hè và khoảng trống trước công viên Lê Thị Riêng (quận 10) chỉ được “nghỉ ngơi” vào buổi trưa, còn 2 buổi sáng và tối trở thành nơi kinh doanh của rất nhiều xe đẩy hàng rong. Thậm chí, buổi tối, xe đẩy còn dựng bàn ghế cho hành khách ngồi trước công viên. Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) tầm sau 22 giờ cũng trở thành nơi bày bán hàng rong, kéo tới rạng sáng. Xung quanh Công trường Quốc tế (quận 3) khi mặt trời lặn là các xe đẩy hàng rong xuất hiện. Thậm chí, không gian đọc sách tại đây vào buổi tối cũng bị “trưng dụng” bán cà phê. Đáng nói, xung quanh dày đặc các biển cấm tụ tập bán hàng rong nhưng số lượng xe hàng rong còn nhiều… hơn biển cấm. Tương tự, cứ vào chiều tối, vỉa hè công viên Bàu Cát (quận Tân Bình) phần lớn được sử dụng để kinh doanh quán nhậu và bán bánh tráng trộn.
Đề xuất thu phí sử dụng vỉa hè
TPHCM có 12 triệu m2 vỉa hè, nếu thu phí sử dụng sẽ được số tiền rất lớn. Theo dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè TPHCM của Sở GTVT TPHCM, sở đã đưa ra 5 khu vực thu phí ở nhiều vị trí khác nhau, dựa trên việc so sánh với giá đất bình quân trong khu vực. Theo đó, người dân sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn sẽ phải đóng phí từ 50.000-350.000 đồng m2/tháng tùy từng vị trí. Khu vực 1 (các tuyến đường có giá đất bình quân bằng hoặc cao hơn 36.812.000 đồng/m2), gồm tuyến đường trung tâm dùng để trông giữ ô tô, xe máy có giá thuê là 350.000 đồng/m2, các tuyến đường còn lại có giá thuê 180.000 đồng/m2. Đối với các hoạt động khác, không dùng để trông giữ xe, có giá từ 50.000-100.000 đồng/m2. Khu vực 2 (giá đất bằng hoặc cao hơn 13.659.000 đồng/m2) gồm tuyến đường trung tâm có giá thuê 100.000 đồng/m2, các tuyến đường còn lại có giá thuê 70.000 đồng/m2. Đối với khu vực 3, khu vực 4 có giá thuê từ 60.000 đồng/m2. Khu vực 5 có giá thuê bằng nhau ở tất cả tuyến đường là 50.000 đồng/m2.
Vỉa hè trước cổng và suốt dọc các bệnh viện Tim, Nhân dân 115, Nhi đồng 1 (quận 10), Chợ Rẫy, Đại học Y Dược, Phạm Ngọc Thạch (quận 5) từ lâu đã trở thành nơi kinh doanh buôn bán của nhiều người, nhất là những người bán hàng rong. Tại đây, lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè, làm mất trật tự công cộng, nhưng khi họ không có mặt là hàng rong lại tràn ra.
Trên thực tế, cũng có không ít tình huống chủ nhà mặt tiền hoặc chủ quán hàng thuê nhà mặt tiền kinh doanh “tranh chấp” mặt bằng kinh doanh với xe hàng rong. Anh H. đang thuê nhà để buôn bán trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) không giấu giếm: “Tôi đã nhiều lần ra nói với những xe đẩy bán hàng đậu trước vỉa hè cửa hàng của tôi là phải chuyển qua chỗ khác, không được chắn mặt tiền của tôi, nhưng những người này nói rằng đây là vỉa hè nhà nước, nếu lấn chiếm thì có cơ quan chức năng xử phạt và tôi không có quyền đuổi họ. Bực lắm nhưng tôi chưa biết làm sao…”(!?)
Ông Hoàng Minh Trí, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM:
Phải có quy hoạch sử dụng vỉa hè hợp lý
Đề án thu phí vỉa hè của TPHCM nếu được thực hiện không chỉ giúp Nhà nước có nguồn thu để tái đầu tư, cải tạo vỉa hè mà còn giúp người kinh doanh yên tâm hoạt động. Tuy nhiên, để làm được việc này, Nhà nước cần phải có quy hoạch cụ thể về việc sử dụng vỉa hè một cách hợp lý. Ví dụ, vỉa hè rộng từ 3m trở lên thì có thể dành 1 phần cho kinh doanh có thu phí, phần còn lại cho người đi bộ.
Thu phí vỉa hè chỉ nên áp dụng với người có mặt bằng kinh doanh, còn những người bán hàng rong, nên hỗ trợ họ có nơi kinh doanh ổn định, vì hầu hết họ là người có hoàn cảnh khó khăn. Trái lại, việc quản lý an toàn thực phẩm với hàng rong rất cần thiết, vì sức khỏe người dân. Việc bố trí chỗ bán hàng cho những người bán hàng rong cần tính toán nghiên cứu kỹ. Bởi, nếu họ bán hàng ở ngay khu vực bệnh viện, trường học, công viên mà đưa họ vào bán ở một nơi khác xa đó thì họ sẽ mất khách hàng. Mặt khác, hàng rong thường chỉ bán được vào mùa nắng, còn những ngày mưa rất ế. Do đó nếu được, chỗ bán mới cho họ nên có mái che và nên thuận tiện cho việc kinh doanh để họ có cơ sở chấp hành tốt việc sắp xếp này. Hiện rất nhiều tuyến đường đã được gắn camera an ninh, ngành chức năng có thể lấy thông tin này để xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn:
Ưu tiên cho người đi bộ
Trước tiên, vỉa hè phải ưu tiên cho người đi bộ. Để an toàn, phần dành cho người đi bộ phải đưa vào phía trong sát nhà, vỉa hè rộng mới tính đến chuyện cho thuê. Có thể, phần cho thuê sơn màu xanh để phân định rõ. Những vỉa hè có hạ tầng như điện, cáp quang có thể sơn màu đỏ để không được xâm phạm. Vỉa hè nên được đánh số thứ tự và đưa lên hệ thống tin chung của thành phố để quản lý được công khai minh bạch
Vỉa hè cho thuê có thể theo từng khung giờ hoặc hết ngày, nhưng khi trả phải đảm bảo sạch sẽ, gọn gàng. Ngành chức năng cũng cần nghiên cứu thêm loại hình nào được kinh doanh trên vỉa hè để tránh mất mỹ quan đô thị. Có thể, tuyến đường văn hóa cho thuê đúng hạng mục, đường ẩm thực cho thuê ăn uống. Lưu ý, cho thuê kinh doanh loại hình nào cũng cần có sự đồng ý của chủ căn nhà có vỉa hè trước mặt.
Đối với người bán hàng rong, nhiều nước trên thế giới có chỗ cho họ kinh doanh miễn phí, nhưng kinh doanh xong cũng phải dọn gọn gàng. Trước cổng bệnh viện, trường học có thể cho thuê vỉa hè, chỉ cần vẫn đảm bảo còn lối đi cho người đi bộ.
QUÝ NGỌC ghi