Đây là chia sẻ của đồng chí Trương Thị Ánh Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, thành phố Đà Lạt với phóng viên nhân dịp tham gia Chương trình giao lưu các điển hình, mô hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh uỷ Khánh Hoà tổ chức tại TP Nhà Trang.
Đồng chí Trương Thị Ánh Hồng cho biết, cách đây hơn 01 năm, nhằm triển khai thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa sâu rộng và đi vào chiều sâu, Đảng bộ trường THPT Trần Phú đã xây dựng mô hình “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học”. Đây là ngôi trường đầu tiên được Thành ủy Đà Lạt này chọn làm mô hình điểm nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Người đối với đất nước, cách mạng Việt Nam; tăng cường giáo dục, bồi đắp nền tảng đạo đức, văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức sâu sắc cho cán bộ, đảng viên, viên chức, đoàn viên, học sinh.
Học sinh nhà trường tổ chức sinh hoạt tại "Không gian Văn hoá Hồ Chí Minh". |
“Mặc dù vào thời điểm bắt tay vào xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, Nhà trường gặp không ít khó khăn, nhất là các phòng đã sử dụng hết cho hoạt động giảng dạy, kinh phí hạn hẹp, công việc chuyên môn rất nhiều… Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Lạt, sự quyết tâm cao của cấp ủy và toàn thể đảng viên, Đảng bộ Nhà trường đã hoàn thành tốt các khâu chuẩn bị và tổ chức thành công buổi ra mắt “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học” - đồng chí Trương Thị Ánh Hồng cho hay.
Đồng chí Trương Thị Ánh Hồng cho biết thêm: Đảng ủy Nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng chi bộ, các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên trong việc xây dựng mô hình không gian mở, tận dụng các thiết bị, vật dụng có sẵn của trường học, thiết kế trang trí không gian văn hóa, tạo dựng một số góc ngay trong khuôn viên nhà trường như: Xây dựng góc thơ, văn, góc âm nhạc, góc mỹ thuật, góc sáng tác…
Cùng với đó, Đảng bộ và lãnh đạo Trường cũng triển khai cho đảng viên, giáo viên sưu tầm tài liệu, hình ảnh về cuộc đời sự nghiệp của Bác, sưu tầm các câu nói hay của Bác Hồ về thanh niên, tổ chức cuộc thi sáng tác thơ văn, bài cảm nhận của học sinh viết về Bác Hồ kính yêu, tổ chức cho lớp năng khiếu mỹ thuật sáng tác các bức vẽ về Bác, tổ chức cho học sinh trong câu lạc bộ âm nhạc tập luyện biểu diễn các bài hát, các tác phẩm nghệ thuật thể hiện tình cảm đối với Bác Hồ.
Đảng ủy Nhà trường đã chú trọng chỉ đạo các chi bộ tổ chức các hoạt động để phát huy mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Trong đó, mỗi chi bộ triển khai đến nhóm chuyên môn xây dựng nội dung, cách thức tổ chức sinh hoạt, thời gian thực hiện. Hiện tại nhà trường tổ chức cho học sinh sinh hoạt định kỳ trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh 1 lần /1 tháng gắn với nội dung cụ thể của từng tổ/nhóm chuyên môn, như: Tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh “Tìm hiểu thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh”; Tổ Tiếng Anh tổ chức ngoại khóa bằng tiếng Anh với chủ đề “Tìm hiểu, quá trình hoạt động của Bác và cách Bác học ngoại ngữ”; Tổ Ngữ Văn tổ chức cho học sinh khối 10 “Thi kể chuyện về Bác”, thi viết bài cảm nhận về các tác phẩm của Bác…
Các giáo viên và học sinh đọc sách viết về Bác Hồ tại “Khôgn gian văn hoá Hồ Chí Minh” của Nhà trường. |
“Chúng tôi tâm niệm rằng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” không chỉ là những công trình kiến trúc ngoài không gian công cộng, một góc trưng bày trong khuôn viên Nhà trường hay những tác phẩm văn học nghệ thuật, câu khẩu hiệu tuyên truyền, mà còn là tổng hòa nhiều yếu tố từ lối sống, phong cách, ứng xử, sự nghĩa tình, hướng đến hình thành lối sống cao đẹp, đầy nhân nghĩa và trách nhiệm của thầy và trò mang đậm chất văn hóa Hồ Chí Minh. Từ cách tiếp cận đó, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” khi triển khai luôn được đảm bảo yêu cầu không phải là một phong trào, không thể thực hiện theo các đợt, theo chỉ đạo mà phải được thực hiện thường xuyên, với tính ổn định, bền vững. Vì thế, khi tiến hành, mô hình này đã lan toả, tác động tích cực đến nhận thức, tư tưởng và hành động của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh Nhà trường. Qua đó đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, sống có lý tưởng, khát vọng, có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, cộng đồng và xã hội, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp” - đồng chí Trương Thị Ánh Hồng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, thành phố Đà Lạt cho biết thêm./.