Chiều 12/11, sau phiên đăng đàn của 3 thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Đặt vấn đề chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng, hiện còn một số hạn chế trong phân cấp, phân quyền; đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương thời gian tới.
Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: TL |
Trả lời chất vấn của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đây là vấn đề lớn, đã được thảo luận nhiều lần, được triển khai trong thực tiễn. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 14 luật, 9 Nghị quyết liên quan, bổ sung, thay thế 27 Nghị định.
Đưa ra giải pháp, Thủ tướng cho rằng cần rà soát lại thể chế, các quy định pháp luật, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, cụ thể là Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn; tăng cường giám sát, kiểm tra. Phân cấp phân quyền cần đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, tập trung chủ yếu ở trung ương.
Đối với câu hỏi về cải cách thể chế của đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), Thủ tướng Chính phủ cho rằng trọng tâm trong cải cách thể chế là phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó, cần ưu tiên tăng trưởng, muốn tăng trưởng thì phải có nguồn lực. Nếu cứ tăng trưởng với tốc độ 6-7%/năm như hiện nay thì ta rất khó đạt được mục tiêu 100 năm đã đặt ra. Để thực hiện được ưu tiên tăng trưởng, phải tháo gỡ vướng mắc thể chế để huy động mọi nguồn lực của nhà nước, nhân dân, xã hội, của nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.
Trả lời câu hỏi về giải pháp căn cơ, dài hạn để phòng, chống thiên tai, bão lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng nêu rõ, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này, tuy nhiên, các diễn biến của thời tiết rất cực đoan, đây là vấn đề có tính chất toàn cầu, toàn dân, toàn diện, ta cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, kêu gọi sự giúp đỡ, chung tay của toàn cầu để cùng thực hiện. Chúng ta cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến chống biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế phù hợp với tình hình thực tế. Trong huy động nguồn lực, cần có nguồn lực của nhà nước, nguồn lực hỗ trợ của các đối tác, nguồn vốn vay. Hiện nay, các nguồn lực đang được ưu tiên bố trí cho vấn đề này. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực quản trị trong ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao tính tự lực, tự cường của các địa phương.
Trả lời vấn đề đại biểu chất vấn liên quan đến không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, Thủ tướng cho biết, trong quá trình hoạt động, có những vấn đề mới phát sinh, hệ thống pháp luật chưa kịp cập nhật. Những vấn đề mới phát sinh đều khó, cần huy động nguồn lực lớn, do đó cần phải tập trung hoàn thiện thể chế. Bởi thể chế là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực cho sự phát triển nên chúng ta tiếp tục phải hoàn thiện thể chế này, không chỉ có phát triển xanh và tất cả các lĩnh vực phát triển chung của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta muốn đột phá, cũng phải đột phá từ thể chế. Trong quá trình triển khai cũng nảy sinh một số việc, do vậy cần rà soát lại, trong đó nhiệm vụ xây dựng các thể chế để quy định cái gì được làm, cái gì không được làm, cái gì là mở rộng không gian sáng tạo. Quan điểm của Đảng là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mọi công dân, cho doanh nghiệp, tôn trọng quyền con người trong kinh doanh, trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, đi theo đó là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, cũng như quan hệ hành chính, nhưng cũng phải xây dựng thể chế, quy định rõ ràng. Tuy nhiên, đối với tình trạng buôn lậu, trốn thuế, thao túng, găm hàng đội giá, thao túng thị trường… thì phải xử lý.
Liên quan đến xây dựng thể chế cho quản lý các hoạt động trên không gian mạng, Thủ tướng khẳng định, không gian thực như thế nào, không giản ảo như thế, do vậy, quản lý trên không gian mạng cũng như quản lý trong đời thực.
“Với tinh thần như Tổng Bí thư đã chỉ đạo là bỏ tư duy không quản lý được thì cấm. Tức là tinh thần xây dựng thể chế phải vừa phục vụ cho việc quản lý, nhưng vừa mở ra không gian đổi mới sáng tạo, khuyến khích mọi người dân, mọi doanh nghiệp, mọi chủ thể đổi mới sáng tạo. Đổi mới để bay cao và sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
12 dự án tồn đọng kéo dài đã xin xong chủ trương xử lý
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện nay có nhiều dự án tồn đọng kéo dài. Thủ tướng cho biết vừa qua, nhờ sự nỗ lực của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ thì đến giờ này, 12 dự án tồn đọng kéo dài đã xin xong chủ trương của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, Chính phủ đang thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, những nội dung nào vượt thẩm quyền thì Chính phủ sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội. Ngoài 12 dự án còn có các dự án khác như đường sắt Cát Linh-Hà Đông, chuỗi dự án điện-khí Lô B - Ô Môn, Nhiệt điện Thái Bình 2…
Theo Thủ tướng, những kinh nghiệm này tiếp tục vận dụng cho các dự án còn lại; trên cơ sở đó, chúng ta rà soát lại những dự án tương tự, tiếp tục xử lý theo tinh thần tôn trọng hiện trạng, "còn đã thất thoát rồi, mất mát rồi, ai vi phạm thì xử lý rồi, nhưng theo pháp luật thì rõ ràng đang vướng, phải tháo gỡ vướng mắc về pháp luật, phải có cơ chế, chính sách để xử lý, thuộc thẩm quyền của ai thì người đó phải làm".
Trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) về giải pháp chỉ đạo, điều hành sắp tới để thực hiện thành công các dự án quan trọng quốc gia như kỳ vọng của Quốc hội và nhân dân?, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải bứt phá, tăng trưởng, tháo gỡ các điểm nghẽn, một trong số đó là phải phát triển hạ tầng chiến lược, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng cứng và hạ tầng mềm… Đầu tư là một trong những động lực tăng trưởng, trong đó có đầu tư cho các công trình lớn của quốc gia.
Chúng ta hiện đã làm tốt, nhưng chủ trương của Bộ Chính trị, của lãnh đạo chủ chốt, của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tô Lâm là phải tạo ra đột phá về hạ tầng với những công trình mang tính chiến lược, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.
Hiện chúng ta đang tập trung cho một số dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, điện gió ngoài khơi, nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân… Muốn có nguồn lực thực hiện, phải hoàn thiện thể chế, cơ chế huy động nguồn lực, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị.
Thủ tướng cho biết đây là những nhiệm vụ, giải pháp đã và đang làm, mong Quốc hội tiếp tục ủng hộ các dự án lớn, như đang trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, giai đoạn 2 sân bay Long Thành.
Chia sẻ thêm, Thủ tướng cho biết đầu nhiệm kỳ này, chúng ta cũng băn khoăn về nguồn lực cho các dự án đường bộ cao tốc, khi từ năm 2000 đến năm 2021, trong hơn 20 năm mới xây dựng được khoảng 1.000 km cao tốc.
"Vậy nguồn lực thế nào để trong vòng 3 năm chúng ta làm được gấp đôi số đường cao tốc đã làm trong 20 năm trước đó? Băn khoăn lắm, nhưng được sự chỉ đạo của Đảng, của Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư, sự ủng hộ của Quốc hội, chúng ta đã huy động nguồn lực Trung ương, nguồn lực địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi; không đầu tư dàn trải, tập trung nguồn lực cho một số dự án chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế" - Thủ tướng nói./.